Site banner

Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ tư, 30 Tháng 4, 2025 - 18:18

Xây dựng cống Cầu Chùa, Cầu Chợ không ảnh hưởng nhiều đến du lịch

Rạch Cầu Chùa và rạch Cầu Chợ thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành là hai con rạch có phong cảnh khá đẹp, thuận lợi cho hoạt động xuồng chèo trên cung đường du lịch của huyện.

Xuồng chèo đưa rước khách du lịch trên bến rạch Cầu Chùa.

 

Trước thông tin hai con rạch này sẽ xây dựng cống, không ít bà con xã Tân Thạch lo lắng, tuy nhiên ngành chức năng tỉnh, huyện đều cho rằng ảnh hưởng đến du lịch không nhiều, nhưng lợi ích bảo vệ vườn cây ăn trái là rất lớn.

Người dân làm du lịch lo lắng

Hiện tại, nhiều người dân đưa xuồng chèo ở xã Tân Thạch khá lo lắng trước thông tin xây dựng cống ngay trên cung đường đưa khách của mình, ảnh hưởng đến công việc mưu sinh của gia đình. Chị Lê Thị Huệ, là người dân sống trên cồn Qui, cho biết: “Trên cồn Qui có khoảng 100 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là dân cư Ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Thu nhập chính của người dân nơi đây là nghề xuồng chèo, đàn ông thì lái tàu đưa khách du lịch, phụ nữ thì chèo xuồng đưa khách du lịch tham quan chủ yếu trên rạch Cầu Chùa và rạch Cầu Chợ”.

Có 15 năm thâm niên nghề đưa xuồng chèo, chị Phạm Thị Hồng Đức tâm tư, dân cư trên cồn Qui mỗi người chỉ có khoảng 1 công đất, không đủ để trồng trọt mưu sinh, nghề xuồng chèo là thu nhập chính. Nếu con rạch bị xây cống ngay giữa chặng đường đưa khách thì du khách sẽ không đến đây nữa, không chỉ xuồng chèo mà cả ghe, tàu đều phải ngưng hoạt động, nghĩa là đói cả nhà.

Anh Trương Văn Hải - chủ doanh nghiệp tư nhân Du lịch Quê Dừa băn khoăn: Trong rất nhiều dịch vụ như uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử, đi xe ngựa, xuồng chèo… thì du khách thích nhất là đi xuồng chèo. Chúng tôi không biết khi nào cống sẽ xây dựng và có phương án nào khác để du lịch huyện Châu Thành không bị ảnh hưởng vì hiện nay du lịch được cho là ngành kinh tế mũi nhọn.

Phản hồi của ngành chức năng

Ông Lê Văn Dài - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho biết: Cống Cầu Chùa và cống Cầu Chợ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ NN&PTNT quản lý. Trong quá trình phối hợp khảo sát, đơn vị quản lý đã thấy nhu cầu của người dân và khi thiết kế đã tính đến yếu tố làm du lịch, không ảnh hưởng đến tàu thuyền qua lại vì khoảng thông thuyền rộng. Đối với mùa mặn thì phải đóng lại để bảo vệ cây trái. Nếu dời sát mé sông thì không an toàn, nguy cơ vỡ cống rất cao, nếu dời sát vào trong thì bỏ cả một vùng đất sẽ bị nhiễm mặn.

Ông Trần Văn Tiền - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho hay: Hầu hết cống xây dựng trên địa bàn huyện (thuộc Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre) đều có khoảng thông thuyền từ 5 - 7,5m, được thiết kế là cống hở, không chỉ xuồng chèo mà thậm chí xà lan nhỏ vẫn qua lại được. Cống chỉ đóng trong khoảng 2 - 3 tháng vào mùa nước mặn. Về vấn đề này, Phòng Văn hóa - Thông tin đã kiến nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 10 làm thêm bến lên khách ở các cống nằm trên cung đường khai thác du lịch. Về thời gian thực hiện, sẽ ưu tiên làm trước các cống từ Tân Thạch lên Phú Đức, vì đây là các xã nằm trong Dự án phát triển du lịch 8 xã ven sông Tiền của huyện Châu Thành, dự kiến việc xây dựng cống sẽ khởi công vào tháng 7-2018.

Tháng 9-2017, Bộ NN&PTNT có Quyết định số 3679 điều chỉnh Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, theo đó sẽ bổ sung đầu tư xây dựng thêm một số hạng mục, giai đoạn 2017 - 2021, trong đó có cống Cầu Chùa và cống Cầu Chợ, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành.

Nguồn: Báo Đồng Khởi